Monday, August 2, 2010

Du lịch sex bùng nổ ở Brazil

Du lịch sex bùng nổ ở Brazil

Chris Rogers đã gặp nhiều gái mại dâm trên đường phố Brazil còn ở tuổi vị thành niên.

Trẻ vị thành niên đang là nguồn cung cho nhu cầu gia tăng của du khách nước ngoài tới Brazil để thỏa mãn tình dục khi đi nghỉ, theo một điều tra của BBC.

Chris Rogers tường thuật về thực trạng Brazil đang vượt Thái Lan như điểm đến cho du lịch tình dục cũng như về nỗ lực để hạn chế thực trạng này.

Bộ bikini nhỏ của em để lộ thân hình nhỏ bé. Trông em không quá 13 tuổi.

Và em là một trong khoảng vài chục các thiếu nữ đang ra đường để tìm khách hàng trong buổi chiều rực nắng.

Hầu hết những em này đến từ các xóm nghèo gần đây.

Khi tôi đỗ xe lại thì cô bé này nhảy múa để gây sự chú ý.

"Xin chào, tôi tên là Clemie – ông có muốn có một chương trình không?" em này hỏi tôi.

"Chương trình" là mật khẩu được dùng để nói về một giờ quan hệ tình dục.

Clemie đòi dưới năm đôla cho dịch vụ này. Một phụ nữ lớn tuổi hơn đứng gần đó lui tới và giới thiệu mình là mẹ của Clemie.

"Ông có thể chọn hai em khác, đều bằng tuổi con gái của tôi, giá cả cũng vậy", người phụ nữ này giải thích.

"Tôi có thể đưa ông đến một nhà trọ để thuê phòng theo giờ."

Tôi nói lời từ chối và lái xe về phía có các quán bar và nhà thổ tại khu đèn đỏ.

Mặc dù cảnh sát nói dẹp nạn mại dâm trẻ em, dường như ít thấy điều này có ảnh hưởng gì tới thực trạng trên đường phố ở Recife.

Trong bốn năm nữa, Brazil sẽ là nước chủ nhà của World Cup, sự kiện sẽ góp phần đẩy mạnh kinh tế đã và đang tăng trưởng khá mạnh.

Brazil kháng cự lại được với suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ một phần bởi thu hút được khách du lịch do có số lượng bãi biển nhiều.

Thế nhưng cũng có loại khách không phải đến đây vì biển.

Các hãng lữ hành mỗi tuần đưa hàng ngàn du khách châu Âu độc thân tới bằng đường hàng không để thỏa mãn tình dục với giá rẻ.

Nay Brazil đã vượt Thái Lan như điểm du lịch tình dục nổi tiếng nhất thế giới.

Vị thành niên

Những em trai phẫu thuật đổi giới tính nói họ cần kiếm tiền giúp gia đình.

Khi màn đêm buông xuống, Recife ở tiểu bang Pernambuco là bãi đậu của du khách tìm tới sex.

Gái mại dâm hòa lẫn với khách du lịch, nhảy múa bên họ và lùng khách hàng.

Tuổi pháp lý để hoạt động mại dâm là 18, nhưng nhiều người trông trẻ hơn nhiều.

Các tài xế taxi làm việc với những cô gái còn quá trẻ để vào làm ở các quán bar.

Có tài xế còn mời chào tôi hai cô với giá chỉ tính cho một và đề nghị đưa tới nhà trọ ở địa phương.

"Họ đang tuổi vị thành niên, do đó, rẻ hơn nhiều so với những cô lớn tuổi hơn," ông giải thích với tôi khi giới thiệu tôi về Sara và Maria.

Cả hai em đều không cố giấu tuổi. Một em thì đeo chiếc túi Barbie phớt hồng, còn em kia thì nắm tay em này và có cái nhìn sợ hãi về một người có thể là khách hàng.

Khu vực đèn đỏ Recife bây giờ đông nghịt xe hơi lượn quanh các nhóm các cô đi lại chào mời.

Một trong số họ, Pia, mặc áo bó hở bụng và váy ngắn. Em gái 13 tuổi đồng ý nói chuyện với tôi về cuộc sống của mình với nghề mại dâm trẻ em.

Tôi thường có hơn 10 khách hàng mỗi đêm.

Pia, 13 tuổi

Em giải thích rằng mình làm việc tại một góc phố mỗi đêm cho tới sáng để kiếm tiền nuôi mình và mua crack cocaine cho người mẹ bị nghiện ma túy.

"Tôi thường có hơn 10 khách hàng mỗi đêm", cô tự hào nói. "Họ trả 10 reais (5.5 đôla) cho mỗi lần - đủ để mua một liều crack cocaine."

Để an toàn, Pia làm cùng nhóm các cô gái lớn tuổi hơn với vai trò “má mì”, lo quản lý tiền nong và giám sát những cô trẻ hơn.

"Có rất nhiều cô làm việc quanh đây. Tôi không phải là người trẻ nhất, em gái của tôi 12 tuổi, và có một cô mới 11 tuổi."

Nhưng Pia lo lắng cho em gái của mình: "Đã hai ngày rồi mà chưa thấy Bianca về kể từ khi Bianca đi với một người đàn ông nước ngoài", Pia nói.

Pia bắt đầu làm gái mại dâm khi mới lên bảy, và UNICEF ước tính có 250.000 gái mại dâm trẻ em như Pia ở Brazil.

"Tôi đã làm việc này quá lâu và thậm chí không nghĩ về sự nguy hiểm," Pia nói với tôi. "Những người đàn ông nước ngoài tới đây và tôi đã đi với rất nhiều người. Họ tới đây như kiểu ông tới đây thôi”.

Chỉ cách đó vài phố là tụ điểm những người đổi giới tính (transvestites) lượn vòng tìm khách hàng. Trong số đó là Ronison 14 tuổi và Ivan 12 tuổi.

Họ trông tự tin với giầy cao gót, váy ngắn và áo mỏng, mặt mũi trát đầy phấn son.

"Chúng tôi cần phải kiếm tiền để mua gạo và thực phẩm cơ bản cho gia đình của chúng tôi. Cha mẹ của chúng tôi không lo lắng về việc chúng tôi quá nhiều. Chúng tôi thông báo với họ lúc nào đi và khi nào về nhà. Và sau đó chúng tôi đưa tiền để họ mua thực phẩm. Họ biết làm thế nào chúng tôi kiếm được tiền, nhưng chúng tôi không bàn về chuyện đó trong nhà”.

Cảnh sát làm việc cùng với nhà chức trách để đối phó với nạn mại dâm trẻ em.

Hầu hết khách du lịch sex trước đây đều đến thành phố Fortaleza cách xa tới 500 dặm.

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Trong năm qua, tiểu bang Ceara, là thành phố chủ nhà World Cup - đã được gửi một thông điệp rõ ràng cho khách du lịch tình dục rằng họ sẽ không được tiếp đón tại nơi này.

Tuần nào cũng có hàng chục xe vũ trang và cảnh sát liên bang với AK-47 rà soát đường phố của khu đèn đỏ, bố ráp các nhà nghỉ và nhà thổ, bắt tội phạm và đưa trẻ vị thành niên tới những khu có người cai quản.

Eline Marques, bộ trưởng tiểu bang, chuyên trách bảo vệ trẻ em, nói chiến dịch rà soát đã có tác dụng.

"Chúng tôi đã đóng cửa nhiều cơ sở ở Fortaleza. Toàn bộ đường phố nay không còn các cơ sở mại dâm. Mục tiêu của tôi là để tăng cường dẹp nạn mại dâm cho kịp với World Cup, vốn nhắm tới mại dâm trẻ em thông qua du lịch", bà nói.

Các tiểu bang khác đã tỏ ý rằng họ sẽ theo dõi chiến dịch bà Marques thực hiện ', và nếu thành công thì sẽ làm theo.

'Sợ hãi'

Thế nhưng khi đóng cửa các cơ sở mại dâm và bắt khách du lịch tình dục thì người ta cũng phát hiện ra những nạn nhân.

Nhiều người được đưa tới những nhà do những quỹ thiện nguyện giúp đỡ.

Các trung tâm cũng ngày càng đông vì người ta không thể gửi trả các em về nhà trong điều kiện đói nghèo vì sẽ lại quay lại con đường mại dâm.

Hầu hết các em là từ độ tuổi 12-14.

Maria, 12 tuổi, muốn sống với mẹ nhưng em không thể vì bảo kê của em dọa giết nếu định trốn thoát.

Em này nói với tôi rằng vẫn rất lo sợ cho mạng sống.

"Tôi không có lựa chọn, em phải làm những gì người bảo kê kia nói. Tôi cảm thấy đã mất đi tuổi thơ của mình, tôi mới chín tuổi", em này nói.

"Tôi rất sợ hãi. Đôi khi nếu tôi không mang được tiền về là người đó đánh tôi”

Được biết có một số em tới trung tâm thì bị phát hiện ung thư cổ tử cung, nhưng vì thường ở giai đoạn đầu nên có thể chữa được.

Một số em gái cũng mang thai, con của họ có cha là du khách tình dục.

Hy vọng

Những phòng nghỉ tính tiền theo giờ.

Tổ chức thiện nguyện Happy Child International của Anh có kế hoạch xây dựng thêm các trung tâm để đón và chăm sóc một số lượng lớn đối tượng mại dâm là trẻ em.

"Số em là mại dâm đã tăng lên đáng kể ở phía đông bắc của Brazil trong vài năm qua do số lượng khách du lịch nước ngoài đến đến Brazil để đi nghỉ tình dục ngày càng tăng ", Sarah de Carvalho từ Happy Child International cho biết.

"Điều quan trọng là đưa các em ra khỏi những cám dỗ ngoài đường phố và triệt phá đường dây. Chúng ta cần cung cấp cho các em một nơi an toàn để sinh sống và được giúp đỡ."

Nhưng tổ chức từ thiện và chiến dịch rà soát của cảnh sát vẫn chưa gặp được những em như Pia, gái mại dâm 13 tuổi, người mà tôi đã gặp trên đường phố Recife.

Nhà của em là một lán lụp sụp và em ở chung tới mẹ, hai người anh và một gái 12 tuổi, hiện vẫn chưa về nhà sau nhiều ngày.

Mỗi ngày tôi cầu xin Chúa đưa tôi ra khỏi cuộc sống này. Đôi khi tôi dừng lại, nhưng sau đó tôi quay lại đường phố tìm kiếm đàn ông.

Pia

Lán này chẳng có gì ngoài hai ghế bành có thể dùng làm giường và một cái xô nhựa để giặt quần áo và nồi niêu, tách chén.

Khi tôi hỏi bà Casa liệu việc con gái bà làm nghề mại dâm có làm bà thấy đau lòng hay không, bà dường như tỏ ra lo ngại hơn về việc nếu con bà không mang được tiền về nhà. "Nếu chúng nó kiếm được tiền thì chúng nó cũng có mang về nhà đâu. Không, chúng nó không mang tiền về đâu," bà nói.

Pia nói với tôi rằng rồi một ngày em hy vọng sẽ thoát ra khỏi nạn mại dâm. Em nói với tôi rằng đã nghe nói về tổ chức từ thiện cung cấp nhà cho những người như vậy.

"Mỗi ngày tôi cầu xin Chúa đưa tôi ra khỏi cuộc sống này. Đôi khi tôi dừng lại, nhưng sau đó tôi quay lại đường phố tìm kiếm đàn ông. Ma túy thật khó có thể bỏ được và đó là điểm yếu của tôi và các khách hàng luôn sẵn sàng trả tiền. "
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/08/100801_brasil_child_prostitution.shtml

Sunday, July 4, 2010

Chúa Giêsu không có bị đóng đinh trên cây Thánh giá

Chúa Giêsu không có bị đóng đinh trên cây Thánh giá !


Hình ảnh Chúa Giê Su chết đóng đinh trên cây Thánh Giá trên đồi Golgotha là một biểu tượng thiêng liêng của đạo Thiên Chúa , rất phổ quát, thường dược treo trên vách tường của các cơ sở của giáo Hội , hay được các tín đồ ngoan đạo đeo trên giây chuyền ở cổ. Nhưng mới đây, theo bản tin của báo Anh Telegraph, Gunnar Samuelsson, một nhà nghiên cứu ở Đại Học Gothenburg ( Thụy Điển), cho biết là " Chúa Giê Su không thể nào chết đóng đinh trên cây thập tự giá được "

Nhà nghiên cứu vừa đệ trình một " luận án " về đề tài nầy. Theo ông, thì không có một bằng chứng nào về việc Người La mã áp dụng hình phạt treo trên thập tự giá.

Truyền thuyết việc xử tử Chúa Giê Su như thế , là dựa vào truyền thống của Giáo Hội Thiên Chúa, và những tranh ảnh minh họa có tính cách nghệ thuật hơn là dựa vào những bản cổ văn. Gunnar Samuelsson khẳng định là quyển Kinh Thánh bị diễn dịch sai, và không có một dẫn giải nào liên hệ đến việc xử dụng các cây đinh (để đóng) và việc treo lên cây thập tự giá. Trong các bản văn, có nói là " Giê Su vác một " staurus " lên " Calvaire " (ám chỉ là nơi chúa Giê Su thọ hình phạt ), "Staurus" không nhất thiết là một cây thập tự giá, mà có thể hiểu đó là một " cột gỗ ".

Theo ông Gunnar Samuelsson, những bản văn bằng tiếng latin, cổ ngữ hy lạp, trong văn học Do Thái, và từ Homère ( thế kỷ thứ 8 trước công nguyên đến thế kỷ đầu sau Công nguyên đều mô tả tất cả các cực hình thời đó , nhưng tuyệt nhiên không có nói đến " cây thập tự giá " hay " việc xử treo trên thập tự giá ". Nhà thần học kết luận :

" Sự hiểu biết hiện nay về việc xử treo trên thập tự giá , cho thấy điều đó được coi như không có căn bản " .

Các bản văn trong kinh thánh cũng không có mô tả Giê Su bị đóng đinh ra sao.

" Nếu quý vị đi tìm những đoạn văn nào mô tả hành động đóng đinh trên thập tự giá, quý vị sẽ không tìm được chi hết trong Tân ước "

Theo báo The Telegraph, Gunnar Samuelsson tự cảm thấy " dao động " do sự khám phá của mình. Tờ Telegraph còn nhấn mạnh là nghiên cứu gia là "một tín đồ thiên chúa trung kiên( sùng đạo)" , và " chấp nhận rằng kết luận của ông đã đụng đến trọng tâm của Niềm Tin, và rất dễ có sự phản ứng bằng cảm tính hơn là với sự lý luận ".

Gunnar Samuelsson không đặt lại vấn đề với toàn thể các bản văn của Thánh kinh:

"Một người tên GiêSu đã hiện diện tại phần đất nầy của quả địa cầu, trong giai đoạn đó , là một điều có nhiều tài liệu chứng minh. Ông đã để lại nhiều dấu tích trong nền văn học thời đó. Tôi tin là "người được nói đến " là con của Thượng Đế. Đề nghị của tôi là các tín đồ Thiên Chúa Giáo không nên vất bỏ Thánh Kinh hay nghi ngờ những điều viết trong đó. Tôi đề nghị là chúng ta " nên đọc Thánh Kinh y như đã viết " mà không nên đọc Thánh Kinh "theo như chúng ta suy nghĩ " . Chúng ta phải đọc các hàng chữ viết, mà không nên đọc " giữa các hàng chữ viết " . Bản văn của Kinh Thánh rất đầy đủ. Chúng ta không cần phải thêm thắt chi hết !


* Nguồn tin :

- http://www.telegraph.co.uk/news/newstopics/religion/7849852/Jesus-did-not-die-on-cross-says-scholar.html
- http://www.hum.gu.se/english/current/news/Nyhet_detalj/what-do-we-really-know-about-the-crucifixion-of-jesus-.cid938216
- http://www.slate.fr/story/23813/jesus-nest-pas-mort-crucifie

Friday, April 16, 2010

Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận


Một Phụ Nữ Mỹ Cưu Mang 216 Cô Nhi Việt:
12 tháng 4, 1975 và cuộc di tản vô tiền khoáng hậu
Hà Giang/Người Việt Seattle, Apr 13, 2010

Bà Betty Tisdale (phải),
năm nay đã 87 tuổi, với cô con gái tên Liên
là 1 trong 5 người do chính bà nhận nuôi
trong số 216 cô nhi An Lạc,
trong một bữa cơm tại Seattle.
Bà Betty Tisdale (phải),
năm nay đã 87 tuổi, với cô con gái tên Liên
là 1 trong 5 người do chính bà nhận nuôi
trong số 216 cô nhi An Lạc,
trong một bữa cơm tại Seattle.

LTS - Đúng ngày này, 35 năm trước, chiếc máy bay quân sự Mỹ đưa 216 cô nhi Việt Nam thoát khỏi một quốc gia đang hấp hối, để vào Hoa Kỳ. Độc giả Người Việt cách đây ít lâu được biết đến câu chuyện của thanh niên Vũ Tiến Kinh, đi tìm, và tìm được vị bác sĩ đã cứu sống mình 35 năm trước tại bệnh viên UCLA. Vũ Tiến Kinh là một trong 216 cô nhi ấy. Nhưng, ai là người đứng đàng sau chiến dịch di tản 216 cô nhi An Lạc? Cuộc di tản vô tiền khoáng hậu được thực hiện ra sao trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam ? Xin giới thiệu cuộc chuyện trò dưới đây, giữa phóng viên Hà Giang và người phụ nữ Hoa Kỳ có cả cuộc đời gắn liền với hàng trăm cô nhi gốc Việt.

Sài Gòn, cách đây 35 năm

“Tháng 4 năm 1975, tình hình ngày càng tệ, nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc chiến sắp tàn, Sài Gòn sẽ thất thủ, một số lớn người Việt Nam đã bồng bế nhau đi. “Khi Tổng Thống Gerald Ford cho phép các máy bay vận tải (cargo aircraft) được bắt đầu di tản cô nhi ra khỏi Sài Gòn, tôi biết là đã nguy kịch lắm.”

“Mọi việc biến chuyển quá nhanh! Hồi tháng 2, khi về Việt Nam ăn Tết với các cô nhi An Lạc, tôi thấy mọi việc xung quanh còn có vẻ bình thường. Thật không thể tưởng tượng quân đội Hoa Kỳ đã thực sự bỏ cuộc, và cộng sản Bắc Việt sẽ tiến chiếm Sài Gòn.Nhưng không có nhiều thì giờ để sửng sốt.Tôi lập tức gọi cho bà Vũ Thị Ngãi, Giám Đốc viện mồ côi An Lạc, và người mẹ tinh thần của tôi, là hãy chuẩn bị di tản gấp, vì chỉ vài ngày nữa tôi sẽ về mang hết toàn thể mọi người, cô nhi, giám đốc và nhân viên của An Lạc qua Mỹ.”

“Di tản tất cả mọi người?”

Tôi nhớ lúc đó bà Ngãi đã ngỡ ngàng hỏi.

“Và tôi trả lời: ‘Vâng, tất cả mọi người! Đặt xong vé máy bay, tôi biết mình chỉ vỏn vẹn có hai ngày để chuẩn bị cho cuộc di tản vĩ đại.Tuy nói thật mạnh miệng với bà Ngãi, thú thật, lúc bấy giờ, tôi chưa hề biết mình sẽ xoay sở ra sao để mang được cả 400 cô nhi của An Lạc qua đây.Chỉ biết là tôi không thể để cho các em sống trong thế giới vô thần của chủ nghĩa Cộng Sản!”

***
Nói đến đây, người đàn bà ngồi trước mặt tôi, tóc bạc phơ, da mồi, khuôn mặt phúc hậu, đã 87 tuổi, nhưng đôi mắt hiền từ còn rất tinh anh, và giọng nói còn mạnh mẽ, ngừng lại để nhấp một ngụm nước.

Trong căn nhà nhỏ ở Seattle, tiểu bang Washington, có nhiều cây bao quanh, không khí như đẫm ướt sương, và lá rơi khắp mặt đường, tôi ngồi thu mình trong chiếc ghế sofa, mà theo lời bà, “được chế ra từ một chiếc giường mây mang đến từ cô nhi viện An Lạc, 35 năm trước đây.”

Và câu chuyện bà kể, cũng cũ xưa như chiếc giường mây tôi đang ngồi, xảy ra cách đây đúng 35 năm, với tôi là một hành trình đi tìm lịch sử, nhưng với bà là một chuyến xe trở về với kỷ niệm. Tên bà là Betty Tisdale.

Bắt đầu từ cuộc di cư 1954

Câu chuyện được tiếp tục sau khi bà Tisdale đưa tôi đi thăm căn phòng, mà bà gọi là “The Việt Nam Room.” Căn phòng, chứa đầy bàn ghế tủ giường làm từ Việt Nam , và một cuốn scrap book vĩ đại to bằng một phần tư cái giường, trong đó dán đầy hình ảnh và bài báo của gần năm mươi năm sinh hoạt của bà.

“Cuốn scrapbook của bà vĩ đại quá!” Tôi kêu lên.

Lần giở vài trang, bà Tisdale nói như cho một mình mình nghe.

“Cả cuộc đời tôi nằm trong ấy! Đó là cuộc đời của tôi...”

“Tôi sẽ phải trở lại căn phòng này, xem từng tài liệu, nếu bà cho phép!” Tôi nói.

“Sáng mai tôi sẽ đón em trở lại và chúng ta sẽ duyệt qua mọi tài liệu em muốn.” Bà Tisdale nhìn tôi hứa hẹn.

“Ồ thích quá, bà cho phép thật không?” Tôi reo lên.

Chúng tôi xuống ngồi ở phòng khách, rồi bà tiếp tục câu chuyện.

“Tôi sinh năm 1923 và là chị cả trong một gia đình có năm chị em.Lớn lên trong thập niên 1930s, thời “depression” (giai đoạn Đại Khủng Hoảng Kinh Tế) của Hoa Kỳ, tôi phải giúp cha săn sóc các em từ nhỏ, vì mẹ bà bị bệnh lao, lúc đó không chữa được, phải ở trong một viện dành cho những người cùng bệnh. Năm tôi chín tuổi thì cha bị bệnh chết, đứa em trai út cũng chết vì bệnh lao.Hai người cô ruột, và một người hàng xóm chia nhau mang bốn chị em chúng tôi về nuôi.Lớn lên không được đi học nhiều, tôi làm đủ mọi thứ việc để kiếm sống, và dần dà được nhận vào làm thư ký cho hãng US Steel, một công việc không dễ lúc đó.”

“Lúc hai mươi mấy tuổi, tôi đã tự tạo được cho mình một cuộc sống khá ổn định, độc lập, không vướng bận, nhưng lúc nào cũng thấy mình bị thôi thúc bởi một cảm giác bất an là ‘chưa làm được gì.Mẹ nuôi thấy tôi bất an, luôn bảo là hãy mãn nguyện với cuộc sống của mình.Nhưng hai chữ mãn nguyện làm tôi thật ‘bất mãn!

Vì nếu lúc nào cũng mãn nguyện thì còn làm gì được cơ chứ?” Bà Tisdale cao giọng.Thế rồi một hôm, định mệnh đẩy vào tay tôi một cuốn sách khiến tôi ngơ ngẩn.”

Nói đến đây bà với tay lên kệ sách, rút ra và trao cho tôi cuốn sách cũ kỹ, bìa rách tả tơi. Đó là một cuốn sách cũ kỹ đã xuất bản cách đây gần 50 mươi năm, có tên là “Deliver Us from Evil” của Bác Sĩ Tom Dooley, một bác sĩ quân y thuộc Hải Quân Hoa Kỳ.Ngoài bìa là hình một người đàn ông Mỹ đứng cạnh một đứa bé Á Đông.Nâng cuốn sách trên tay, tôi như bị thôi miên bởi những tấm hình trắng đen ghi lại cuộc di cư của hơn một triệu người trốn chạy Cộng Sản từ Bắc vào Nam . Những hình ảnh có lẽ trông còn thê thảm hơn cả cảnh vượt biên của 'boat people' vào năm 1975.

Sách kể lại những gì Bác Sĩ Tom Dooley đã làm để xoa dịu vết thương của những người có mặt trên chuyến “Hàng Không Mẫu Hạm USS Montague” đưa người Bắc di cư vào Nam năm 1954.Lật một trang sách, bà Tisdale chỉ cho tôi xem tấm hình chụp một người đàn bà đang trên đường trốn chạy, nhưng vẫn rất thanh lịch, đang được những đứa trẻ rách rưới lem luốc vây quanh.

“Đó là bà Vũ Thị Ngãi, một người đàn bà góa chồng, có học thức, thuộc dòng dõi quý tộc.” Bà Tisdale nói.

“Trên đường di cư, bà Ngãi nhặt hết những đứa trẻ nằm lê lết bên xác của cha mẹ rồi mang theo vào Nam .Những đứa trẻ này, là những em cô nhi đầu tiên của cô nhi viện An Lạc.Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên cô nhi viện này.”

Tôi lướt nhanh những hàng chữ trước ở bìa trong. Sách kể sau cuộc di tản, Bác Sĩ Tom Dooley giúp bà Vũ Thị Ngãi dựng cô nhi viện An Lạc, những trẻ mồ côi và nạn nhân chiến tranh, ông cứ về Mỹ xin tiền, gây quỹ, rồi lại mang vào Việt Nam để giúp đỡ họ.

“Nội dung cuốn sách cứ ám ảnh tôi. Tôi không thể xua được những hình ảnh bác sĩ Tom Dooley săn sóc đủ mọi loại bệnh nhân ra khỏi đầu.” Bà Tisdale kể tiếp.

“Tôi quyết tìm gặp Bác Sĩ Tom Dooley cho bằng được.Và cuối cùng tôi thì cũng gặp được ông trong khu chữa bệnh ung thư của một bệnh viện ở Nữu Ước.Tôi hỏi ông có tôi có thể làm gì để giúp đỡ việc ông đang làm.Ông không nói gì về bệnh tình của mình, mà chỉ bảo tôi khi có thì giờ nên về thăm cô nhi viện An Lạc, rồi sẽ biết phải làm gì.Sau lần gặp mặt duy nhất đó, Bác Sĩ Tom Dooley qua đời, lúc ông mới 34 tuổi.”

“Bác Sĩ Tom Dooley còn nói với bà điều gì không?” Tôi hỏi.

“Có! Ông nói một câu mà tôi không bao giờ quên...Là đừng bao giờ quên rằng một người bình thường cũng làm được những việc phi thường".

"Một người bình thường cũng làm được những việc phi thường.” Tôi lập lại.

“Vâng! Thế là tôi để dành tiền, mua vé máy bay về thăm An Lạc.”

Cô nhi viện An Lạc

“Chiếc xích lô đưa tôi đến cô nhi viện trong một buổi trưa nóng bức của năm 1961.Và dù đã chuẩn bị tinh thần, quang cảnh của cô nhi viện An Lạc làm tôi chết lặng.Bà Vũ Thị Ngãi lúc ấy đang săn sóc một đứa trẻ bị ghẻ lở, đứng dậy rửa tay, rồi ra đón tôi, và đưa tôi đi một vòng thăm cô nhi viện của bà.Trẻ em nằm thọt lỏn trong những cái võng được bện bằng vải rách, hoặc còng queo trên một dãy những chiếc nôi rỉ sét.Không có hệ thống nước trong nhà. Tất cả mọi người tắm rửa ở các vòi nước ngoài sân.Không có cả nhà bếp, ngoài những chiếc lò than nằm lỏng chỏng dưới đất.Ở các góc phòng, nhiều trẻ em, đứa lớn bồng đứa bé.Thế nhưng đâu đó vẫn có tiếng cười trong như pha lê, và những ánh mắt long lanh.Tôi đến gần một chiếc nôi và bế một đứa bé. Và khi đứa bé đưa hay tay quàng vào cổ tôi, rồi nhất định co chân đu người lên không cho tôi thả nó xuống nôi nữa, thì tôi biết cuộc đời mình giờ đã gắn liền với An Lạc.”

Cuộc đời gắn liền với An Lạc

Trở về Mỹ, bà Tisdale quyết định không thể tiếp tục làm thư ký cho hãng US Steel được nữa, mà phải đi tìm một công việc khác, để có điều kiện hỗ trợ bà Vũ Thị Ngãi, và những đứa trẻ đáng thương bà đã gặp ở An Lạc.

Nhờ người quen giới thiệu, bà được giới thiệu vào làm thư ký cho Thượng Nghị Sĩ Jacob Javits tại tiểu bang Nữu Ước. Và dùng thế lực của Thượng Nghị Sĩ Javits, bà xin được thuốc men, tã lót, nồi niêu, xoong chảo, sách vở và tất cả những thứ một viện mồ côi cần có.

Hàng năm bà Tisdale dùng ngày nghỉ phép của mình để về thăm và sống với các em cô nhi An Lạc. Cũng dùng sự quen biết của mình, bà gặp các binh sĩ Hoa Kỳ đóng gần Sài Gòn nhờ họ đến giúp xây hệ thống nước, bếp, và giường chiếu.

Cuối tuần, các binh sĩ Hoa Kỳ rủ nhau đến chơi đùa với các em, và làm những việc cần thiết để biến An Lạc thành một nơi tương đối khang trang cho các em. Cũng tại An Lạc, bà Tisdale gặp một bác sĩ quân y góa vợ, đến giúp cô nhi viện và hai người kết hôn.

Trong tấm hình cưới của hai người, tôi thấy chồng bà, Bác Sĩ Quân Y Tisdale, có nét quen quen. Nhìn kỹ thì mới thấy ông có nét giống Bác Sĩ Tom Dooley thuở nào.
Trong vòng mười bốn năm trời, bà Tisdale mỗi năm đi thăm An Lạc mấy lần, và chăm sóc từng cô nhi ở An Lạc và coi tất cả như con của mình. Cuộc sống êm đềm tưởng cứ thế trôi, nhưng không ngờ đùng một cái bà phải di tản cả cô nhi viện.

Di tản

“Sau khi đã mua vé đi Việt Nam rồi thì tôi bắt đầu lo.Làm sao mang được các em qua đây? Mang đến đây rồi chứa các em ở đâu? Làm sao để có thể tìm ngay cha mẹ nuôi cho ngần ấy em trong vòng một thời gian ngắn? Đầu óc tôi quay cuồng những câu hỏi.”

Không biết bắt đầu từ đâu, bà Tisdale gọi Hoa Thịnh Đốn, rồi được biết là chính phủ đòi hỏi trẻ em phải có sẵn cha mẹ nuôi, hay đang làm thủ tục làm con nuôi thì mới được vào Mỹ. Bà gọi Sở Di Trú thì được họ đề nghị là nên liên lạc với một trong các tổ chức chuyên lo thủ tục con nuôi thì mới có thể mang các em vào Hoa Kỳ.

“Tôi chỉ là một cá nhân tự quyên tiền, bấy lâu đi về Việt Nam để giúp các em, hầu như không quen lắm với thủ tục xin/cho con nuôi.Ngoại trừ những lần làm thủ tục nhận năm bé gái An Lạc làm con nuôi và mang về Mỹ.Tôi gọi cho trung tâm Tressler Lutheran ở Pennsylvania , và được họ hứa sẽ tìm cách giúp đỡ.Nhưng trước khi đi Việt Nam tôi còn phải tìm chỗ tạm trú cho các em. Tôi chợt nhớ đến trại Fort Benning ở Georgia . Nơi đây có những trại trống, tại sao không thể tạm để các em ở đó? Liên lạc với vị tướng của trại Fort Benning mãi không được, tôi tìm cách gọi cho mẹ của ông, tự giới thiệu và giải thích là tôi phải mang 400 trẻ em cô nhi qua, cho biết cần sự giúp đỡ của bà, vì sáng mai tôi phải đi Việt Nam sớm.May sao, bà biết đến tên tôi vì thỉnh thoảng tôi hay đi diễn thuyết ở các nhà thờ.”

“‘Để chuyện đó tôi lo cho!’ Mẹ của ông tướng nói.”

“Về đến Việt Nam , tôi đến ngay Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.Lúc đó tòa đại sứ đã chuẩn bị để đóng cửa, tủ bàn xô lệch, hồ sơ đã được đóng thùng, chuẩn bị đưa đi. Vị đại sứ giới thiệu tôi với một người lo máy bay di chuyển của quân đội.Ông ta nói có thể lo việc vận chuyển, cần bao nhiêu máy bay của quân đội cũng có, nhưng tôi cần được sự chấp thuận của chính quyền Việt Nam .”

“Tôi đi gặp thứ trưởng Bộ Xã Hội là Bác Sĩ Phan Quang Đán, thì được ông cho biết chúng tôi cần phải có một danh sách và giấy khai sanh cho các em. Trẻ em bị bỏ rơi người ta mang đến vất ở cửa cô nhi viện, chúng tôi nhặt vào nuôi, làm sao có giấy khai sanh bây giờ? Nhưng bắt buộc phải vượt qua mọi trở ngại! Chúng tôi làm việc thâu đêm để chế ra giấy khai sinh cho các em, rồi tạo ra một danh sách, với 400 tên.Chúng tôi đặt tên cho các em trai bắt đầu với Vũ Tiến... Và các em gái bắt đầu với Vũ Thị...”

“Tại sao lại chọn họ Vũ?” Tôi hỏi.

“Vì lấy theo họ bà Vũ Thị Ngãi, sáng lập viên và giám đốc của cô nhi viện. Sáng ngày lên đường chúng tôi mang danh sách lên nộp ở Bộ Xã Hội, thì được Bác Sĩ Phan Quang Đán cho biết không thể cho các em trên mười tuổi ra đi.”

“Vì sao?”

“Chúng tôi sẽ cố thủ, chúng tôi không thể bỏ cuộc. Chúng tôi không thể để cho Việt Cộng tiến chiếm. Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận.Tôi rất tiếc là không thể để cho các em đi được. Đó là quyết định của chính phủ tôi.”

"Thứ Trưởng Phan Quang Đán cương quyết. Khi tôi mang lệnh của Thứ Trưởng Phan Quang Đán về báo cho cô nhi viện thì cảnh trước mặt làm tôi thật đau lòng.Các em sơ sinh đã được đặt nằm gọn ghẽ vào trong những chiếc giỏ phủ đầy chăn và tã, các em lớn quần áo chỉnh tề. Các em hai ba tuổi thì đang chạy lăng quăng chơi đùa quanh những cái giỏ.Bà Vũ Thị Ngãi, người phụ tá và các thiện nguyện viên cũng đã sẵn sàng lên đường.”

“Tin nghe như sét đánh ngang tai, người lớn chỉ lặng lẽ nhìn nhau, còn các em lớn được bảo thay quần áo ra thì ngơ ngác.Xa xa có tiếng súng nổ. Người ta bảo cộng sản Bắc Việt đã tiến gần vào thành phố.Sau khi trấn tĩnh. Chúng tôi quyết định cùng kéo nhau hết ra phi trường, những em phải ở lại đưa tiễn những đứa được ra đi.Trước khi lên xe, tôi quay lại nhìn cô nhi viện lần cuối.”

“Những chiếc nôi trống rỗng. Không có trẻ em, cô nhi viện trông như một cái xác không hồn.Bà Vũ Thị Ngãi đứng yên một góc, mắt đỏ hoe.Tại phi trường, chúng tôi bịn rịn chia tay.Tôi ôm bà Ngãi, và hứa sẽ quay trở về để đón bà, mà lòng tự hỏi không biết khi tôi trở về được thì có muộn quá không.Hai chúng tôi cùng cố không khóc, nhưng nước mắt ràn rụa.”

”Các em bé được quân nhân chuyển từ những cái giỏ vào các thùng giấy cho an toàn hơn.Mọi thứ đã sẵn sàng.“Máy bay gầm gừ cất cánh, những cái vẫy tay của bà Ngãi và giọt nước mắt của các em nhạt nhòa dần. Nhưng những hình ảnh ấy sao cứ mãi khắc sâu trong tâm khảm.Tôi đã ra đi, bỏ lại gần hai trăm đứa con mình đã săn sóc cả mười bốn năm trời.Và lời nói của Thứ Trưởng Phan Quang Đán mãi cứ vang trong tai tôi.”

“Chúng tôi sẽ cố thủ.Chúng tôi không thể bỏ cuộc.Chúng tôi không thể để cho Việt Cộng tiến chiếm. Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận.”

Ngày 12 tháng 4 năm 1975, chiếc máy bay chở 219 cô nhi từ An Lạc đáp cánh an toàn tại Los Angeles. Một số cô nhi quá yếu đã được gửi lại ở UCLA để được săn sóc. Trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ đến đây là hết. Ông bà Tisdale phải tự tài trợ phí tổn $21,000 cho chuyến bay đưa các em từ Los Angeles về Fort Banning để lo thủ tục tìm cha mẹ nuôi. Tất cả các em đã được trung tâm Tressler Lutheran Agency tìm cha mẹ nuôi trong vòng trên dưới một tháng.
http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=0d5dd769dedff88e885848b56e51fbe6